Tin tức Tin tức

Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp): HƠN 1.000 NĂM ĐẤU TRANH GIÀNH LẠI ĐẤT NƯỚC: Vì sao Việt Nam có thể tổn tại qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc?
Người đăng tin: Ngo Thi Yen Sa Ngày đăng tin: 13/03/2025 Lượt xem: 6

Suốt hơn 1.000 năm, kẻ thù tìm mọi cách đồng hóa Nhân dân ta nhằm chiếm nước ta vĩnh viễn. Trong bối cảnh đó, người Việt không hề chịu khuất phục mà luôn biết cách vượt qua thử thách, từng bước vươn lên khẳng định bản lĩnh dân tộc và quyết tâm giành lại độc lập. Đâu là những yếu tố cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta trong thời gian dài bị đô hộ như vậy?

Niềm tự hào về cố quốc Văn Lang - Âu Lạc và tinh hoa của nền văn minh sông Hồng cùng sức mạnh dân tộc được hun đức qua nhiều thế hệ đã tạo nên “sức đề kháng dân tộc” mạnh mẽ để Nhân dân ta đủ sức đương đầu với mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.

Trong hơn 1.000 năm, chính quyền đô hộ nhiều khi suy sụp bởi tình hình rối ren, loạn lạc bên Trung Quốc, tạo thuận lợi khách quan cho quá trình đấu tranh giành độc lập của người Việt. Nhưng đó không phải là yếu tố tiên quyết. Tổ tiên ta đã vận dụng nhiều cách thức khác nhau nhằm duy trì sự tồn tại và từng bước tích lũy sức mạnh để có thể thoát khỏi vòng cương tỏa của kẻ thù, trong đó nổi lên bốn cách thức chủ yếu sau đây:

- Kiên quyết duy trì tính độc lập tương đối của các làng xã.

- Không ngừng nổi dậy đấu tranh vũ trang.

- Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền đồng thời tiếp nhận, Việt hóa các tinh hoa văn hóa ngoại nhập.

- Vừa vận dụng kỹ thuật sản xuất cũ vừa áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới, tạo ra những chuyển biến khiến nền kinh tế không phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế chính quyền đô hộ và tăng thêm tiềm lực vật chất cho dân tộc.

Chúng ta mất nước nhưng không mất làng. Trong suốt thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ dù rất cố gắng nhưng không thể quản lý được cấp cơ sơ. Các làng xã vẫn là những tổ chức tự trị của Nhân dân. Làng là nơi duy trì những tập tục, tín ngưỡng, là nơi giáo dục lòng yêu nước và ý chí tự cương cho bao thế hệ người Việt. Làng cũng là nơi khơi nguồn của các cuộc dấy binh, là nơi Việt hóa những nội dung văn hóa được du nhập từ bên ngoài vào. Do đó, có thể nói, trong thời Bắc thuộc, làng là nguồn gốc, là cơ sơ xã hội cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta.

Hơn 10 thế kỷ mất nước là hơn 10 thế kỷ người Việt liên tục vùng lên, đương đầu với bọn quan quân đô hộ. Phong trào đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ và kéo dài hầu như không ngừng nghỉ. Nhiều lần chúng ta đã đánh đổ chính quyền thống trị, thiết lập chính quyền dân tộc như trong các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Trường Nhân, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng...

Các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều thất bại, nhưng đã đánh mạnh vào ý chí của bọn đô hộ, đồng thời phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và biến nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam.

Trên phương diện văn hóa, Nhân dân ta kiên quyết giữ vững bản sắc của mình. Đặc biệt, tiếng nói dân tộc là tiếng Việt vẫn được sử dụng và phát triển qua nhiều thế hệ dù chính quyền thống trị ra sức dạy chữ Hán, tiếng Hán.

Song song với đó, Nhân dân ta cũng biết mở cửa đón nhận các yếu tố văn hóa mới từ bên ngoài truyền đến và tìm cách Việt hóa chúng. Trong ba tôn giáo Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đến từ Trung Quốc, Nhân dân ta cởi mở hơn vói Phật giáo và Đạo giáo, còn rất dè dặt với Nho giáo bởi đây là công cụ thống trị và đồng hóa của phong kiến phương Bắc.

Nhân dân ta đã lợi dụng tiếng Hán để làm phong phú hơn vốn từ của mình. Trên cơ sở tiếng Hán và chừ Hán, hệ thống từ ngữ Hán - Việt đã ra đời, khiến năng lực diễn đạt ngôn ngữ của người Việt ngày càng phát triển.

Trên phương diện kinh tế, mặc dù bị chính quyền phong kiến Trung Quốc bóc lột hết sức thậm tệ, nhưng Nhân dân ta vẫn miệt mài lao động sản xuất; duy trì nghề nông trồng lúa nước có từ bao đời: du nhập việc bón phân bắc, cày bừa bằng trâu bò, kỹ thuật làm giấy... từ người Trung Quốc và cũng tiếp thu kỹ thuật sản xuất thủy tinh, trồng mía để nấu đường từ Ấn Độ, vùng Trung Á truyền sang.

Vậy là trong hơn 10 thế kỷ dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, Nhân dân ta đã biết kết hợp nhiều phương cách khác nhau để vượt qua, giữ vững bản sắc của dân tộc và sau đó giành lại độc lập cho đất nước, hiên ngang bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ và thống nhất lâu dài.

Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp) (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG tiếp tục đăng tải Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp).

Chi tiết các câu hỏi – trả lời khác, Quý anh/chị vui lòng liên hệ đường dây nóng 0236 1022 để được cung cấp (cước gọi điện 200đ+/phút, KHÔNG THU PHÍ PHỤC VỤ).

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 miễn phí phục vụ  

1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý
2. Hướng dẫn, giải đáp quy định, chính sách, thông tin kinh tế - xã hội
3. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
4. Hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử
5. Cung cấp thông tin phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh
6. Cung cấp dịch vụ Tổng đài CSKH, nhắn tin CSKH, truyền thông, sự kiện và các dịch vụ tư vấn khác...

Chuyên mục, tin tức liên quan:

 

Liên kết web Liên kết web

Quản lý video Quản lý video

zalo Chung nhan Tin Nhiem Mang