Tin tức Tin tức

Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp): HƠN 1.000 NĂM ĐẤU TRANH GIÀNH LẠI ĐẤT NƯỚC: Đại thảm họa mất nước hơn 1.000 năm diễn ra như thế nào?
Người đăng tin: Ngo Thi Yen Sa Ngày đăng tin: 11/03/2025 Lượt xem: 6

Năm 210 TCN, ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng mất. Triều Tần duy trì thêm được vài năm thì diệt vong. Một viên quan cai quản khu vực tương ứng với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay là Triệu Đà nhân thế đã tự chiếm giữ đất đai, lập một nước riêng với tên là Nam Việt. Triệu Đà có dã tâm xâm chiếm Âu Lạc để mở rộng bờ cõi và trên thực tế đã nhiều lần đem quân đánh vào nước ta, nhưng lần nào cũng bị quân đội An Dương Vương đánh bại.

Dùng biện pháp quân sự không xong, Triệu Đà xoay qua kế ngoại giao, xin giảng hòa và kết thông gia với An Dương Vương. An Dương Vương chấp thuận để Trọng Thủy - con trai Triệu Đà được kết hôn với công chúa Mỵ Châu và sang ở rể tại kinh thành Cổ Loa. Trọng Thủy đã ngấm ngầm đánh cắp bí mật quốc phòng của Âu Lạc và xảo quyệt tìm cách phá vỡ khối đoàn kết trong triều đình. Khi thời cơ đến, Triệu Đà liền cử đại binh bất ngờ đánh Âu Lạc. An Dương Vương chống đỡ không nổi, cùng đường đành tự tử. Âu Lạc rơi vào tay giặc. Sự kiện này xảy ra vào năm 179 TCN. Đó là mốc mở đầu một thời kỳ đen tối kéo dài trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Thời kỳ hơn 1.000 năm nước ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau thống trị - thời Bắc thuộc (từ năm 179TCN đến năm 938).

Trong thời Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc sau đây đã lần lượt thay nhau cai trị nước ta: Triệu (179 TCN - 111 TCN), Hán (111 TCN - 220), Ngô (220-280), Tấn (280-420), Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-542), Tùy (603-618) và Đường (618-905).

Hơn 1.000 năm đô hộ cũng là thời gian các chính quyền phong kiến phương Bắc không ngừng thực hiện ý đồ xóa bỏ nền độc lập của nước ta, khiến nước ta phụ thuộc chặt chẽ về chính trị, là nơi để bóc lột lâu dài về kinh tê, và dần bị đồng hóa về phong tục tập quán để vĩnh viễn không thoát khỏi sự thống trị của phong kiến phương Bắc.

Để sáp nhập đất Âu Lạc vào lãnh thổ Trung Quốc, từ nhà Triệu đến nhà Đường đều chia đất nước ta thành nhiều quận, châu, huyện và cử quan lại người Hán đến cai trị. Lúc đầu, nhà Triệu chia Âu Lạc thành hai quận là Giao Chi, Cửu Chân, đến thời nhà Hán lại chia thành ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và nhập chung với các quận khác thuộc Trung Hoa để tạo thành bộ Giao Chỉ, sau đổi thành Giao Châu. Đến thời nhà Tùy và nhà Đường, nước ta lại bị chia thành nhiều châu. Nhà Đường đổi tên gọi đất nước ta là An Nam và thiết lập cơ quan cai trị gọi là An Nam đô hộ phủ. Cái tên An Nam từ đó về sau luôn được chính quyền phong kiến Trung Hoa dùng để gọi nước ta.

Nhằm triệt để vơ vét tài nguyên và các nguồn lợi kinh tế của nước ta, chính quyền đô hộ thi hành chính sách bóc lột và cống nạp hết sức nặng nề. Chúng cướp đoạt ruộng đất, lập các đồn điền và bắt dân ta cày cấy cho chúng. Chúng nắm độc quyền về sắt và muối - hai thứ rất cần thiết trong cuộc sống thường nhật của người dân. Nhân dân ta phải lên rừng săn thú hiếm, tìm lâm sản, xuống biển mò ngọc trai, hải sản quý, sản xuất các sản phẩm thủ công và các loại cây trái xứ nhiệt đới... để cống nạp cho bọn quan lại đô hộ, nhưng vẫn không sao thỏa mãn dược lòng tham của chúng.

Để đồng hóa người Việt, chính quyền đô hộ dùng đủ mọi phương sách nhằm hủy hoại tất cả những thứ thuộc về bản sắc văn hóa Việt và áp đặt văn hóa của chúng. Chính quyền phong kiến Trung Hoa ráo riết truyền bá Nho giáo vào nước ta, cưỡng bức Nhân dân ta phải sử dụng tiếng Hán cũng như thay đổi phong tục theo người Hán. Chúng còn áp dung một hệ thống pháp luật hà khắc và sẵn sàng đàn áp đẫm máu các cuộc phản kháng của Nhân dân ta.

Đại thảm họa mất nước hơn 1.000 năm đã gây nên biết bao hệ lụy cho dân tộc. Bản lĩnh và bản sắc dân tộc cùng phẩm giá người Việt được hun đúc qua nhiều thế kỷ đứng trước nguy cơ bị xóa nhòa tất cả. Độc lập và chủ quyền của quốc gia đứng trước nguy cơ không bao giờ có thể khôi phục. Làm thế nào để thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc là bài toán vô cùng khó khăn mà tổ tiên ta buộc phải tìm ra đáp án nếu muốn tồn tại và giữ được quốc gia của mình.

Tài liệu tham khảo: Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp) (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG tiếp tục đăng tải Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (Hỏi - đáp).

Chi tiết các câu hỏi – trả lời khác, Quý anh/chị vui lòng liên hệ đường dây nóng 0236 1022 để được cung cấp (cước gọi điện 200đ+/phút, KHÔNG THU PHÍ PHỤC VỤ).

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 miễn phí phục vụ  

1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý
2. Hướng dẫn, giải đáp quy định, chính sách, thông tin kinh tế - xã hội
3. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
4. Hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử
5. Cung cấp thông tin phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh
6. Cung cấp dịch vụ Tổng đài CSKH, nhắn tin CSKH, truyền thông, sự kiện và các dịch vụ tư vấn khác...

Chuyên mục, tin tức liên quan:

 

Liên kết web Liên kết web

Quản lý video Quản lý video

zalo Chung nhan Tin Nhiem Mang