Chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô. Ảnh: KHÁNH HÒA
Thông tin từ Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho biết, hội hiện có 72 hội viên với 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến nước mắm quy mô tương đối và 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, các hộ còn lại làm theo mùa vụ. Năm 2019, nghề làm mắm truyền thống Nam Ô vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố. Vừa qua, UBND quận Liên Chiểu ban hành các quy định chi tiết để quản lý và bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô”. Đây là dấu mốc ghi nhận chính thức về giá trị đặc trưng và chất lượng của nước mắm Nam Ô, giúp khách hàng biết và tin dùng thương hiệu nước mắm này ngày càng nhiều hơn.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô bày tỏ, trải qua bao thăng trầm, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nước mắm sẽ “mở cửa” cho sản phẩm của thành phố khẳng định thương hiệu, vươn ra thế giới, tạo sức hút phát triển văn hóa, du lịch. “Người dân Nam Ô nổi tiếng “chăm mắm như chăm con”, sự chăm chút từng công đoạn thể hiện lòng nâng niu, trân quý món quà cá, muối của biển. Nước mắm Nam Ô rin có vị mặn song hậu vị ngọt đậm kéo dài. Từ đây, nhu cầu khẳng định nguồn gốc hàng hóa, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề càng lớn để bảo vệ người làm ăn chân chính, không để các cá nhân lợi dụng thương hiệu cộng đồng và nâng cao giá trị sản phẩm tương xứng với tiềm năng”, ông Vinh bày tỏ.
Những năm vừa qua, công tác đầu tư quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu nước mắm Nam Ô được quan tâm đầu tư hiệu quả; đã có hơn 5.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập mô hình sản xuất nước mắm tại địa phương. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, quy mô sản xuất ngày càng được đầu tư mở rộng; sản lượng tăng dần theo từng năm, thị trường ngày càng được mở rộng cả trong nước và nước ngoài.
Ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Hương Làng Cổ, Ủy viên Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, chia sẻ thông qua các quy định chi tiết để quản lý và bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” theo hướng dẫn UBND quận Liên Chiểu ban hành sẽ giúp người dân yên tâm làm nghề một cách ổn định và bền vững hơn. “Ngư dân làng Nam Ô “ăn mắm”, “ngủ mắm”, đa số sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân bố rải rác trong làng mà ít chia tách với không gian sinh hoạt.
Như một đời người, nước mắm Nam Ô cũng lắm thăng trầm. Nghề mắm từng chững lại khi nghề làm pháo thịnh, người dân di dời để làm dự án và ảnh hưởng bởi nước mắm công nghiệp. Nhiều ngư dân bán lu sành, thuyền bè, bỏ nghề biển, người trẻ ít mặn mà theo nghề khiến thiếu hụt đội ngũ kế nghiệp. Thực tế, chỉ dẫn địa lý với việc khẳng định nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bằng những dấu hiệu phân biệt đã tạo ra giá trị tăng thêm từ 30-50% cho sản phẩm. Các cá nhân cũng như doanh nghiệp như chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm các quy định chi tiết để quản lý và bảo vệ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” mà UBND quận Liên Chiểu ban hành”, ông Phú khẳng định.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay đã hoàn tất điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh; mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đồng thời xác định lịch sử, danh tiếng sản phẩm nước mắm Nam Ô; nghiên cứu các đặc điểm địa lý tự nhiên của vùng sản xuất; xây dựng bản đồ hiện trạng vùng sản xuất; xây dựng bản đồ phân vùng đặc trưng khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, biên độ nhiệt ngày đêm, số giờ nắng, bức xạ...) vùng sản xuất; xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý nước mắm “Nam Ô” thành phố Đà Nẵng tỷ lệ 1/10.000.
Theo baodanang.vn
TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 , miễn phí phục vụ 1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý |