Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, trong 6 giờ qua (từ 3 giờ đến 9 giờ) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa nhỏ đến vừa, có nơi mưa to.
Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các huyện tiếp tục có mua to dến rất to. Luợng mua tích luỹ tại các quận, huyện từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Theo thông tin ban đầu của Công ty thoát nước đô thị, tính đến 9 giờ ngày 18-9, tại các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố có 23 điểm ngập cục bộ (độ sâu ngập từ 20-40cm; thời gian ngập duy trì từ 30-50 phút), cụ thể: quận Thanh Khê (8 vị trí); quận Sơn Trà (7 vị trí); quận Hải Châu (8 vị trí).
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, thành phố Đà Nẵng đã chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình ATNĐ và mưa, lũ có thể xảy ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường báo cáo tại cuộc họp
Lãnh đạo thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác ứng phó mưa lớn, áp thấp nhiệt đới tại các khu vực thấp trũng, nguy cơ cao.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã cho học sinh trên toàn địa bàn thành phố nghỉ học từ chiều 18-9 đến hết 19-9.
Đến 9 giờ ngày 18-9, các lực lượng chức năng thành phố đã tổ chức thông báo và kiểm đếm tổng số 1.159 phương tiện/8.316 lao động
Thành phố tiếp tục duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn, chú ý các phương tiện ở khu vực Bắc Biển Đông - Hoàng Sa; vùng biển Huế - Đà Nẵng,... Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển;...
Thành phố cũng sẵn sàng các hoạt động sơ tán người dân, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo tài sản; tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá,…không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm.
Ngư dân Đà Nẵng chủ động đưa thuyền, bè vào bờ tránh trú ATNĐ có thể mạnh lên thành bão
Đồng thời, nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thuỷ sản; tăng cường thông tin, truyền thông ứng phó ATNĐ, mưa lớn, lũ và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu từ bài học của bão số 3, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan. Các tỉnh thành kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào bờ, khu tránh trú neo đậu an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu vận tải cỡ nhỏ, cỡ trung bình. Tập trung rà soát tình trạng ngập lụt và có phương án sơ tán dân.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, vấn đề quan ngại nhất hiện nay là ngập lụt, đặc biệt là ngập lụt đô thị. Do đó, các địa phương bên cạnh sẵn sàng giải pháp ứng phó với ngập lụt, cần chủ động thu hoạch ngay diện tích lúa trên đồng.
Đồng thời, chủ động rà soát các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, có kế hoạch ứng phó ngay từ thời điểm hiện tại.
Các địa phương phải tập trung các giải pháp chỉ đạo, huy động tối đa các lực lượng đảm bảo 4 tại chỗ, đặc biệt là Công an, Quân đội nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do ATNĐ có thể mạnh lên thành bão số 4.
Theo danang.gov.vn
TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 , miễn phí phục vụ 1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý |