Tin tức Tin tức

Tích cực tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp
Người đăng tin: Trần Thị Ngọc Dung Ngày đăng tin: 02/08/2024 Lượt xem: 48

Sáng 1-8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Nguyễn Đình Vĩnh chủ trì Hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố”. Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh và Giám đốc Sở Tư pháp Trần Thị Kim Oanh đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố”

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt để triển khai hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp, cũng như luôn xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp cho người dân. Hoạt động bổ trợ tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương duy nhất đến thời điểm hiện tại ban hành cơ sở pháp lý liên quan đến việc thu phí quản lý, khai thác, sử dụng thông tin biện pháp ngăn chặn, tạo điều kiện cho việc tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố và duy trì, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, đảm bảo an toàn giao dịch cho công chứng viên, đồng thời đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự của các tổ chức, cá nhân. Từ tháng 1-2023 đến tháng 3-2024, đã thực hiện thu phí tra cứu thông tin ngăn chặn, giải tỏa ngăn chặn trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng, với tổng số phí thu được gần 556 triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 222 triệu đồng.

Hiện nay, thành phố có 35 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 3 Phòng Công chứng và 32 Văn phòng công chứng, với tổng số 82 công chứng viên đang hành nghề. Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, UBND thành phố đã có Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 20-11-2023 về ban hành Quy chế phối hợp về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố; tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng; Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 27-1-2023 của UBND thành phố ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong lĩnh vực luật sư, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Đảng bộ, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố, các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư thành viên trên địa bàn thành phố; làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam để trao đổi về tình hình tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư thành phố; chỉ đạo Đại hội Đoàn Luật sư thành phố nhiệm kỳ 2024-2029; Đại hội Hội Luật gia thành phố, nhiệm kỳ 2024-2029; cho chủ trương về hoạt động và đánh giá công tác năm 2024 của các cơ quan nội chính, trong đó có Đoàn Luật sư thành phố, Hội Luật gia thành phố…

Để triển khai thực hiện Luật, Đề án trong lĩnh vực giám định tư pháp, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp và tuyên truyền, phổ biến về Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Kế hoạch triển khai Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, giao các sở, ban, ngành tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giám định và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hiện nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp có 2 trợ giúp viên pháp lý và 25 luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm. Để bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, năm 2023 UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 30-3-2023 về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua hình thức truyền thông trực tiếp tại cơ sở.

Triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, UBND thành phố chỉ đạo nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động bồi dưỡng, hội thảo, các hình thức chia sẻ kinh nghiệm trong tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật; chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn và từng thời điểm... Đoàn Luật sư thành phố cũng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động trợ giúp pháp lý như tư vấn, đại diện, tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia các buổi hòa giải của các tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động. Cụ thể như, Luật Công chứng hiện nay không có quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên, theo đó công chứng viên có thể hành nghề suốt đời. Đây là một vấn đề bất cập trên thực tế, bởi nhiều trường hợp công chứng viên tuổi đã cao, không đủ minh mẫn để hành nghề nhưng lại công chứng các hợp đồng, giao dịch do người đủ năng lực hành vi dân sự giao kết dễ dẫn đến các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Một số ý kiến cho rằng, số lượng luật sư hiện nay tuy nhiều nhưng trình độ không đồng đều, tỷ lệ luật sư lớn tuổi nhiều, phần lớn là những người đã về hưu tiếp tục hành nghề; trình độ ngoại ngữ của đa số luật sư còn hạn chế; số luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, thương mại còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại còn mới, dẫn đến Thừa phát lại còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, người dân còn tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.

Ngoài ra, các tổ chức giám định công lập rất khó khăn trong việc tuyển dụng bác sỹ vào làm việc tại đơn vị; đội ngũ giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực chuyên ngành được bổ nhiệm nhưng ít được cơ quan tố tụng mời trưng cầu giám định; các bộ, ngành chưa có nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu đối với hoạt động giám định tư pháp chuyên ngành.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhìn nhận, thời gian qua, với sự quan tâm của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, sự chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành các cấp, hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố đã đi vào nề nếp, bài bản, đáp ứng yêu cầu và được đánh giá cao.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, cần tiếp tục rà soát, kiến nghị các cơ quan Trung ương, liên ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, các quy chế nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với những hoạt động này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan bổ trợ tư pháp và cơ quan ngành dọc; tăng cường tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm, vi phạm, tạo sự thống nhất chung trên các lĩnh vực.

Phó Bí thư Nguyễn Đình Vĩnh cũng lưu ý các cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công tác chuyên môn, với kế hoạch, đề án, phương án cụ thể cho công tác đầu tư, đảm bảo đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của cơ quan tố tụng, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

“Các cơ quan, đơn vị cần quan tâm, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tinh thần trách nhiệm và đạo đức của người làm công tác chuyên môn. Đồng thời, tích cực tuyên truyền với tiêu chí mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên giúp người dân hiểu hơn về những điểm mới của lĩnh vực bổ trợ tư pháp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật, nâng cao hiểu biết về quyền dân chủ của công dân”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.

Theo danang.gov.vn

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 miễn phí phục vụ  

1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý
2. Hướng dẫn, giải đáp quy định, chính sách, thông tin kinh tế - xã hội
3. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
4. Hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử
5. Cung cấp thông tin phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh
6. Cung cấp dịch vụ Tổng đài CSKH, nhắn tin CSKH, truyền thông, sự kiện và các dịch vụ tư vấn khác...

Chuyên mục, tin tức liên quan:

 

Liên kết web Liên kết web

Quản lý video Quản lý video

zalo Chung nhan Tin Nhiem Mang