Tin tức Tin tức

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới
Người đăng tin: Trần Thị Ngọc Dung Ngày đăng tin: 19/06/2024 Lượt xem: 106

Ngày 11-6, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 11/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, phạm vi quản lý. Kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp. Người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và ban thường vụ cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra cháy, nổ, nhất là các vụ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Cụ thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước hết, chủ động làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy với phương châm "từng nhà an toàn; từng cơ sở sản xuất, doanh nghiệp an toàn; từng khu dân cư an toàn; từng xã, phường an toàn"; quyết tâm thực hiện mục tiêu "ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan". Huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy với phương châm bốn tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ".

Đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành, cấp học; tuyên truyền nâng cao ý thức tự trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng hộ gia đình; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng bộ với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng chủ lực, nhất là lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm phù hợp với tình hình của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, nhất là trong kiểm tra, thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; kịp thời báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trước mắt tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch, dịch vụ; các khu dân cư; các công trình trọng điểm, cao tầng... có nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn cao.

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng quy định. Tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, tai nạn để rút kinh nghiệm; công khai các cơ sở vi phạm, chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và Nhân dân tham gia giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Nghiêm cấm các hành vi can thiệp, tác động vào việc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chức năng.

3. Xây dựng cơ chế để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, quân sự, biên phòng và các lực lượng có liên quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhất là ở các địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch... ở các thời điểm thường xảy ra cháy rừng, thiên tai, lụt, bão.... Xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vững mạnh, chuyên nghiệp, nắm vững quy định pháp luật và các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 13/6/2022 của Bộ Chính trị và Đề án số 07-ĐA/TU ngày 28/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp ở các địa bàn trọng điểm, tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng Công an các cấp để giải quyết tốt các tình huống cháy, nổ hoặc tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cấu. Kiện toàn, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cửu nạn, cứu hộ bán chuyên trách tại cơ sở; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.

Hằng năm, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Chú trọng tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn, các "tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy", "điểm chữa cháy công cộng" và "cụm dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy".

4. Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, hoàn thành trước ngày 30/6/2024; chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm tra, rà soát, đánh giá rõ nguy cơ cháy, nổ và xác định các biện pháp phòng ngừa trên địa bàn; có biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để đối với các công trình, cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và vi phạm trật tự xây dựng, thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình khai thác, sử dụng các dự án, công trình; bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện hiệu quả Chỉ thị và công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện và kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập.

5. Các đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Ban Thường vụ Thành Đoàn phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo định hướng các cơ quan báo đài, truyền thông tăng thời lượng, dung lượng phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để người dân dễ theo dõi; tổ chức quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

7. Đảng ủy Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

8. Đảng ủy Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Kế hoạch tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai Chỉ thị, hoàn thành trước ngày 30/6/2024. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tham mưu đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác này; chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ tổng hợp kết quả và phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị theo quy định.

9. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, địa phương, đơn vị mình, gửi về Đảng ủy Công an thành phố trước ngày 30/6/2024 để theo dõi, tổng hợp; định kỳ hằng năm trước ngày 15/12 báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Thành ủy (qua Đảng ủy Công an thành phố) để theo dõi, chỉ đạo.

Theo danang.gov.vn

TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 miễn phí phục vụ  

1. Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân và chuyển đến cơ quan chức năng xử lý
2. Hướng dẫn, giải đáp quy định, chính sách, thông tin kinh tế - xã hội
3. Hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính
4. Hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử
5. Cung cấp thông tin phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh
6. Cung cấp dịch vụ Tổng đài CSKH, nhắn tin CSKH, truyền thông, sự kiện và các dịch vụ tư vấn khác...

Chuyên mục, tin tức liên quan:

 

Liên kết web Liên kết web

Quản lý video Quản lý video

zalo Chung nhan Tin Nhiem Mang