Ngày 14-1, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND thành phố vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tiến hành khảo sát, nghiên cứu và sớm có phương án khắc phục tình trạng sạt lở ven biển.
Sở Du lịch tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thường xuyên thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho người dân, du khách tại khu vực sạt lở như: giăng dây, cắm biển báo, cử lực lượng tuần tra và hướng dẫn tại hiện trường...
Được biết, qua theo dõi tình hình sạt lở bờ biển những ngày qua, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận có 6 khu vực bị xói lở, gồm: khu vực bãi biển đối diện ngã ba tuyến đường Hồ Thấu - Võ Nguyên Giáp; phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 và Mỹ Hạnh; đoạn từ ngã ba tuyến đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp đến trước khách sạn Grand Tourance; từ bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; bãi biển đối diện ngã ba tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm; bãi tắm Sơn Thủy. Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, xói lở bờ biển dọc tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như: bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh; nước dâng trong bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh và trực tiếp ảnh hưởng đến bờ biển Đà Nẵng. Đến mùa khô (gió mùa tây nam), bãi cát được bồi trở lại và đạt chiều rộng lớn nhất vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Những năm gần đây, mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực miền Trung có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn cùng xu hướng gia tăng tác động của biến đổi khi hậu và nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến bãi biển, làm hư hại nhỏ cho một số công trình tại khu vực ven biển.
TỔNG ĐÀI DỊCH VỤ CÔNG: (0236) 1022 hoặc *1022 , miễn phí phục vụ |